Ngày 2/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI) thuộc Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá.Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội TLVN, Chủ tịch HĐTV TCT TLVN đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị. 

          Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Hiệp hội TLVN, Chủ tịch Vũ Văn Cường đã nhấn mạnh những đóng góp của ngành thuốc lá cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Hiện ngành thuốc lá VN đang kinh doanh trong điều kiện môi trường pháp lý nghiêm ngặt nhất thế giới, vượt trên cả các khuyến nghị chính sách của Công ước khung kiểm soát thuốc lá toàn cầu, cụ thể: Quy định phải in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50%; Quy định đóng góp vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Yêu cầu cấp phép toàn diện; Cấm quảng cáo và khuyến mại dưới mọi hình thức; thuế TTĐB…

          Kể từ khi các doanh nghiệp phải thực hiện in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50%, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thuốc lá của cả ngành đã giảm rất mạnh. 11 tháng đầu năm 2014, tiêu thụ thuốc điếu toàn ngành giảm hơn 20%, trong đó nhiều đơn vị giảm trên 30% so với cùng kỳ. Nhiều nhãn thuốc đã giảm rất mạnh, từ 40% đến 50% so với cùng kỳ. Chỉ riêng việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đã ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm và đời sống của người lao động trong ngành; nộp NSNN cũng giảm theo.

             Trong khi sản lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì tiêu dùng thuốc lá không giảm. Thay vào đó là lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn.  Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; 11 tháng đầu năm 2014, theo số liệu khảo sát của AC NIELSEN, thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40%. Diễn biến của thuốc lá nhậu lậu trở nên rất phức tạp; nếu như trước đây thuốc lá lậu xuất hiện chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ (45%),TP.HCM (40%),hiện nay đã xuất hiện lan tràn ở hầu hết các tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000-18.000đ) thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại thuốc lá lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao),Mine, Gem (4.000đ),Golden Deer (9.000đ),Pin, Jun (9.500đ) Elephant,….

             Năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu NSNN 6.500 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng thuốc lá lậu như hiện nay thì năm 2014 dự kiến NSNN có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Theo Báo cáo của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

          Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường trong cuộc chiến chống thuốc lá lậu đầy cam go. Buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh; đường biên giới nước ta dài, nhiều đường mòn, lối mở, trong khi các lực lượng chức năng tham gia chống buôn lậu thuốc lá mỏng, trang bị thô sơ, thiếu kinh phí, phương tiện,…

           Để công tác chống buôn lậu thuốc lá được đẩy mạnh và có hiệu quả hơn, đặc biệt là trong thời gian giáp Tết Nguyên Đán Ất Mùi sắp tới, Hiệp hội TLVN xin kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công an và các lực lượng chức năng như sau:

           1. Kiến nghị Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát PCTP chỉ đạo các lực lượng chức năng trong ngành đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống buôn lậu thuốc lá một cách kiên quyết, triệt để ở tất cả các địa phương, cả ở cửa khẩu biên giới và trong nội địa, tới các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu tại các phường, xã, thị trấn theo tinh thần Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng CP. Triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu của các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

             2. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 cho phép HHTLVN tiếp tục cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu. (Mức hỗ trợ kinh phí cho công tác bắt giữ  và tiêu hủy mà Hiệp Hội đã đề nghị là 3.500đ/bao 20 điếu, không phân biệt giá các loại thuốc).

              3. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 25 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ và các VBPL liên quan, theo đó đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.

              4. Đề nghị Chính phủ quyết định không tái xuất mà tiêu hủy toàn bộ thuốc lá lậu, vì hiệu quả rất thấp mà nguy cơ tái thẩm lậu thì rất cao.

              5. Theo quy định của Luật PCTHTL, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng Quỹ PCTHTL với mức đóng là: 1% từ 01/5/2013; 1,5% từ 01/5/2016; 2% từ ngày 01/5/2019 (tính trên giá tính thuế TTĐB của bao thuốc). Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 300-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế trích khoảng 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá lậu có tác hại nhiều hơn lại chốn thuế.

                6. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Ngay sau hội nghị, Chủ tịch Vũ Văn Cường cũng đã trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí có mặt tại Hội nghị, cung cấp thêm các thông tin về tình hình thuốc lá lậu hiện nay.

Nguồn Vinataba.com.vn