Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khoá X về Nông nghiệp-Nông dân-Nông thôn với mục tiêu vì sự phát triển bền vững, vì yêu cầu bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước; Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề đã cùng Lãnh đạo Tổng công ty thuốc lá Việt Nam thống nhất chủ trương xây dựng mô hình đào tạo nghề trồng và chế biến cây thuốc lá cho các bà con nông dân tại 2 tỉnh phía Nam là Tây Ninh và Gia Lai (hai tỉnh có chi nhánh của Công ty cổ phần Hoà Việt); nhằm mục tiêu giúp nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả thông qua việc phổ cập, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật canh tác trên cây thuốc lá.
LỄ KHAI GIẢNG MỘT LỚP DẠY NGHỀ CỦA CÔNG TY
Với phương pháp được áp dụng trong đợt đào tạo nghề là phương pháp đào tạo trực tiếp và thực hành ngay trên những thửa ruộng, địa điểm học tập là dưới những tán cây hoặc trong sân nhà của hộ nông dân thay vì phải tập trung đến hội trường và nghe giảng bài theo phương pháp truyền thống. Một lớp đào tạo sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ và mỗi nhóm không quá 5-6 người để những học viên là người nông dân trồng thuốc lá được tự do trình bày những ý kiến, kinh nghiệm của chính mình trong việc trồng cây thuốc lá.
TRAO ĐỔI KỸ THUẬT GIEO ƯƠM
Giảng viên là những người có chuyên môn cao trong từng lĩnh vực sẽ giúp lớp học nêu được các vấn đề đang tồn tại trong sản xuất cây thuốc lá hiện nay tại địa phương từ giai đoạn: gieo, trồng, chăm sóc cho đến sấy thuốc lá; đồng thời các giảng viên sẽ hướng dẫn các học viên thảo luận, chia sẻ và thống nhất cách giải quyết các vấn đề về kỹ thuật canh tác cây thuốc lá nhằm đạt được những mục tiêu mà lớp học đã đặt ra mà không được áp đặt hoặc bắt buộc các học viên phải làm theo ý kiến của mình.
CÁC HỌC VIÊN ĐANG SAY SƯA HỌC BÀI
Công cụ học tập ngoài những vật dụng thông thường như: bàn, nghế, thước đo, thước kẹp, kính lúp và những lọ nhựa để bảo quản các mẫu vật thì công cụ chủ yếu để học tập là đồng ruộng thuốc lá sẽ thay cho những giáo trình, giáo án khô cứng như trước đây. Phương tiện để giúp học viên trao đổi ý tưởng, trao đổi thông tin với nhau là những tờ giấy khổ lớn và bút lông màu.
Thông qua những mô hình cánh đồng mẫu sẽ chứng minh tính đúng-sai và hiệu quả mang lại, từ đó sẽ giúp cho những học viên tự mình nâng cao nhận thức, hiểu được tại sao phải thực hiện và tự mình sẽ điều chỉnh những kỹ thuật canh tác chưa hoàn ch
ỉnh trước đây. Vì là lớp đào tạo nghề, do đó trước và sau lớp học, học viên sẽ được đánh giá kiến thức 2 lần thông qua kết quả kiểm tra để nhận biết sự tiến bộ của mình, đồng thời thông qua kết quả canh tác thuốc lá của chính mình về năng suất, sản lượng, chất lượng để đánh giá tính hiệu quả sau khi được đào tạo nghề.
Bên cạnh các nội dung làm sao trồng thuốc lá có năng suất cao-chất lượng tốt-lợi nhuận thu lại cao nhất, sản phẩm sản xuất đạt các tiêu chuẩn về an toàn và thân thiện với môi trường; người trồng thuốc lá là các học viên sẽ được nghe những chuyên đề hiện nay đang còn nổi cộm tại các vùng nông nghiệp-nông thôn như: Chuyên đề sử dụng lao động trẻ em trong độ tuổi đến trường, về chống bạo hành nông thôn, về bình đẳng giới, về phòng chống HIV/AIDS…nhằm nâng cao nhận thức và có những ứng xử tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Với những giải thưởng cho học viên xuất sắc, giải thưởng dành cho nhóm hoạt động tích cực nhất trong tuần hoặc trong suốt khóa học và những giải thưởng khác, sẽ tạo điều kiện cho từng học viên thi đua học tập, trao đổi ý kiến nhằm hoàn thiện quy trình canh tác cây thuốc lá, phù hợp với tập quán địa phương, đạt được năng suất cao-chất lượng tốt và thông qua chương trình đào tạo nghề với phương pháp mới này các nông dân trong nhóm hoặc trong lớp của mình có điều kiện gần gũi hơn nữa không những trong công việc đồng áng mà còn thắt chặt tình nghĩa xóm làng; tính cộng đồng trong nông thôn được phát huy ngày càng cao.