Trong 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 30⁄CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ, xử lý 4.794 vụ, thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều việc phải làm để Chỉ thị thực sự phát huy tác dụng và đi sâu vào cuộc sống.

Quyết sách đúng đắn, kịp thời

Báo cáo tại “Toạ đàm bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu năm 2015” được tổ chức ngày 10/4/2015 với sự phối hợp của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam; ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua khu vực biên giới của các tỉnh: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, sau đó vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố lớn để tiêu thụ. Các đối tượng buôn lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu liên tục, bất kể ngày hay đêm. Các đối tượng tham gia vận chuyển phần lớn là cư dân biên giới, rất thông thạo địa bàn, sử dụng các phương tiện chạy tốc cao vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần, mỗi lần thường dưới 1.500 gói, nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

 

Để đối phó với tình trạng trên, trong 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã triển khai 1.496 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 33.314 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát, tổ chức ký cam kết đến 36.728 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá. Cục Quản lý thị trường phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chỉ đạo 17 Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện Chương trình tuyên truyền chống buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu; đã dán 10.000 tờ áp phích khổ A3 và 100.000 tờ khổ A4 tại các địa điểm kinh doanh, các địa điểm công cộng và những nơi tập trung đông người.

Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 9.401 vụ (tăng 58 % so với số vụ kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2014),xử lý 4.794 vụ (tăng 35,6 % so với 6 tháng đầu năm 2014),thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại (tăng 25 % so với 6 tháng đầu năm 2014),xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng (tăng 52,4 % so với 06 tháng đầu năm 2014). Thu giữ 16 ô tô, 358 xe máy, 07 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ.

Đánh giá chung về tình hình công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trong Quý IV/2014 và Quý I/2015, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: Công tác kiểm tra kiểm soát kết hợp với công tác tuyên truyền đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu đã giảm cả về số lượng, số vụ vi phạm bị xử lý; tình hình vận chuyển thuốc lá qua biên giới có chiều hướng giảm, trong nội địa tại các điểm bán lẻ đã hạn chế việc bày bán công khai. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc vi phạm về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong năm chủ yếu là xử phạt hành chính vì số lượng thuốc lá nhập lậu bị thu giữ thường chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chỉ thị số 30/CT-TTg là một trong những quyết sách đúng đắn, kịp thời, và bước đầu có hiệu quả ngay lập tức, nhanh chóng được triển khai và đi vào cuộc sống. Theo thống kê, trong thời gian từ 01/10/2014 đến 03/2/2015, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã bắt giữ khoảng 4,5 triệu bao thuốc lá các loại, tăng 45% so với cùng kỳ; thị phần thuốc lá lậu toàn quốc giảm 2% (từ 22,4% trong tháng 10/2014 xuống 20,5% trong tháng 2 năm 2015). Một số đối tượng đầu nậu, cầm đầu buôn lậu thuốc lá bị bắt giữ, kịp thời răn đe. Do công tác chống buôn lậu được đẩy mạnh nên giá thuốc lá nhập lậu đã tăng lên, nhiều thời điểm giá 1 gói Jet tăng khoảng 10% (tăng 1.500-2.000 đồng/bao). Đây là cơ hội rất tốt để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chống buôn lậu, bởi khi mất đi lợi thế giá rẻ, các đầu nậu buộc phải cân nhắc hơn khi nhập hàng bán, vừa chịu rủi ro mà lợi nhuận phi pháp từ buôn lậu giảm xuống.

Hoạt động buôn lậu tinh vi, khó kiểm soát

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

 

 

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam

"Một số kết quả đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa lớn, nhưng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của Chính phủ được thể hiện trong Chỉ thị 30. Các đối tượng buôn lậu chỉ chờ thời cơ để tung hoành trở lại. Bây giờ là thời điểm quan trọng quyết định sự thành bại của Chỉ thị số 30/CT-TTg. Nếu chúng ta không đẩy mạnh hơn nữa, rất có thể những nỗ lực trong thời gian qua sẽ không có kết quả"

Mặc dù Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương triển khai rất tích cực, song theo đánh giá của ông Vũ Văn Cường, những kết quả đạt được nói trên còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,9% so với gần 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu hàng năm. Các hoạt động triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai rộng trên phạm vi cả nước như tinh thần của Chỉ thị; nhiều Bộ, ngành, địa phương chậm triển khai hoặc triển khai chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; thuốc lá lậu vẫn được nhập lậu ồ ạt và bày bán công khai trên các tủ thuốc, điểm bán lẻ, bán và mua thuốc lá lậu rất dễ dàng. Hệ quả là tình hình buôn lậu thuốc lá những tháng gần đây có dấu hiệu gia tăng trở lại, 2 tháng đầu năm 2015 số lượng thuốc lá nhập lậu là 140 triệu bao, không giảm so với cùng kỳ năm 2014. Các loại thuốc lá lậu giá rẻ dưới 5.000 đồng/bao như Elephant, Golden Deer… vẫn nhập lậu qua biên giới; thuốc Jet, Hero tiếp tục được bày bán công khai.

Phân tích những khó khăn vướng mắc về tình hình đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ. Thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành cao do phải đóng các loại thuế, trong khi người hút thuốc chưa thay đổi được gu, lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu rất lớn. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời, nhiều lúc vẫn còn mang tính cục bộ. Do thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc cất giấu tại nhà ở, các đối tượng kinh doanh dùng nhà ở để làm nơi cất giấu tang vật nên lực lượng Quản lý thị trường rất khó khăn trong công tác ngăn chặn vì chờ đến khi UBND cấp huyện quyết định khám nơi cất giấu tang vật là chỗ ở thì tang vật đã bị tẩu tán. Số vụ xử lý thuốc lá nhập lậu vắng chủ ngày càng gia tăng. Các lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện; kinh phí phục vụ mua tin, tổ chức kiểm tra, bắt giữ thuốc lá nhập lậu hiện vẫn còn khó khăn.

Triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn

Để Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách Nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã nêu một số kiến nghị. Theo đó, Chính phủ cần hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng. Kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, lập chốt ở khu vực biên giới, các đường mòn lối mở. Bộ Tài chính cần chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá nhập lậu qua cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế, An ninh kinh tế, cơ quan điều tra tăng cường công tác điều tra, trinh sát nắm tình hình, triệt phá các đối tượng đầu nậu, đường dây ổ nhóm buôn bán thuốc lá nhập lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

 
 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế tài chính cho phép trích khoảng 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, vì thuốc lá nhập lậu có tác hại lớn hơn do trốn thuế, không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tăng cường đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; kịp thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra trên địa bàn; xử lý kịp thời các hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, mua bán thuốc lá nhập lậu. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương cho dừng các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thuốc lá ngoại. Trong tình hình buôn lậu thuốc lá như hiện nay, để tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất, thẩm lậu vào Việt Nam qua đường biển, kiến nghị Bộ Công Thương cho dừng ngay các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với sản phẩm thuốc lá.