Ngày 24/03/2014, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trình Chính phủ tờ trình về một số kiến nghị liên quan đến vấn đề thuốc lá lậu. Theo đó, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá, xem xét lại hoạt động tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là những nội dung chính được Hiệp hội kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá

Trong những năm qua, ngành Thuốc lá Việt Nam đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 19.000-20.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1 tỷ USD); tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 triệu lao động trong ngành: Công nhân sản xuất, nông dân trồng cây thuốc lá, và lao động trong các ngành dịch vụ thương mại liên quan; đóng góp hàng trăm tỷ cho công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tình hình thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu mà Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đưa ra, riêng năm 2013 đã có khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam; 2 tháng đầu năm 2014, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng nói nhất là thuốc lá nhập lậu hiện được bán và tiêu dùng công khai tại tất cả các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, gây tác động xấu đến nhiều mặt kinh tế và xã hội của đất nước. Thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần thuốc lá điếu nội địa. Năm 2012 thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu đô la Mỹ. Làm mất sản lượng nguyên liệu: 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta). Bên cạnh đó, thuốc lá lậu còn làm mất việc làm của 5 triệu công lao động nông dân/năm và 600.000 công lao động công nhân/năm; và hàng trăm nghìn lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ liên quan. Không những thế, do thuốc lá lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotine, không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe cộng đồng.

Trước thực trạng này, tại tờ trình Chính phủ, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai khẩn trương, toàn diện, kiên quyết chống buôn lậu thuốc lá ở cả đầu vào và đầu ra như Chính phủ đã làm trong những năm 1990. Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới; đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng lưu trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên thị trường.

Xem xét, chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu

Mới đây, tại công văn số 1537/BTC-CST ngày 25/01/2014, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).  Theo đó dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% lên 75% từ 1/7/2015, và lên 85% từ năm 2018. Bày tỏ quan điểm về Dự thảo Luật Thuế TTĐB, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đồng tình với chủ trương áp dụng các biện pháp về thuế để tăng thu cho ngân sách nhà nước và giảm tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, việc tăng thuế cần được cân nhắc vào thời điểm phù hợp, với mức tăng phù hợp để tránh những tác động ngược, vừa không đạt được mục tiêu tăng ngân sách, vừa không giảm tiêu dùng, trong khi lại tạo thêm khó khăn cho ngành. Việc tăng thuế cần được xem xét trong bối cảnh tình hình buôn lậu thuốc lá đang ngày càng phức tạp và có ảnh hưởng tiêu cực như hiện nay.

Cũng theo phân tích của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, buôn lậu thuốc lá hiện đang thu siêu lợi nhuận. Tăng thuế TTĐB thời điểm này sẽ làm mức lợi nhuận của buôn lậu thuốc lá cao hơn, dẫn đến buôn lậu gia tăng. Thực tế cho thấy, vào năm 2006 khi thuế TTĐB tăng từ 45% lên 55% và 65% vào năm 2008 đã gây ra sự tăng đột biến của thuốc lá nhập lậu khoảng 6 tỷ điếu (từ 12 tỷ điếu năm 2006 lên 18 tỷ điếu năm 2008). Bên cạnh đó, thuốc lá lậu trốn thuế, giá rẻ và không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm (bất chấp việc thuốc lá lậu không kiểm soát được chất lượng gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng). Hệ quả là, do thuốc lá lậu tăng dẫn đến thuốc lá sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp và tổng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ giảm chứ không tăng mặc dù tăng thuế suất (lý do là phần thu ngân sách mất đi do thuốc lá lậu nhiều hơn).

Xem xét lại hoạt động tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu

Ngày 21/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1112/QĐ-TTg cho phép thí điểm tái xuất thuốc lá còn chất lượng nhập lậu bị tịch thu đến hết năm 2013, đồng thời giao cho Bộ Công Thương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định này làm cơ sở cho việc thực hiện quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đối với việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Sau gần 01 năm rưỡi thực hiện, ngày 15/01/2014, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127/TW đã có Báo cáo số 06/BC-BCT về kết quả thực hiện thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu. Trong tổng số 28 tỉnh, thành phố thực hiện tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu chỉ có 10/28 tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục thực hiện. Việc tái xuất thuốc lá lậu ở nhiều tỉnh chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng, trong khi các Bộ ngành, UBND các tỉnh phải tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện tốn kém về thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, Điều 15, Khoản 4-c Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới đã quy định “…bảo đảm rằng tất cả các phương tiện sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp bị tịch thu phải được tiêu hủy…”. Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia Công ước FCTC, do đó Việt Nam cần thiết phải tuân thủ các quy định và cam kết quốc tế để tránh những rủi ro về pháp lý.

Liên quan tới vấn đề này, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc: Chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện Quyết định 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012, trong đó xem xét kỹ hiệu quả tổng hợp của việc tái xuất thuốc lá nhập lậu, kiểm tra đơn vị thực hiện tái xuất và thị trường xuất khẩu thuốc lá tái xuất của Việt Nam để tránh nguy cơ tái thẩm lậu. Rà soát các văn bản pháp luật để xem xét tính thống nhất về mặt pháp lý của việc tái xuất thuốc lá nhập lậu, và thực hiện các cam kết quốc tế đã tham gia. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo quy định Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá Việt Nam cam kết hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu và tiêu hủy thuốc lá theo quy định của pháp luật.

Sau khi trình Chính phủ về vấn đề trên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần của thuốc lá nhập lậu và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Nguồn: Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam