Ngày 04/9/2013, tại trụ sở chính của Tập đoàn British American Tobacco (BAT) – Tòa nhà Global House, London, Vương quốc Anh, Đoàn công tác Việt Nam gồm Lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba),Cục Quản lý thị trường và Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn BAT về công tác chống hàng giả, buôn lậu thuốc lá.

Tham dự cuộc họp về phía Đoàn Việt Nam có Ông Nguyễn Nam Hải – Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, Ông Bùi Nhật Tiến – Phó TGĐ Tổng công ty, Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương, Ông Vũ Quang Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ XK – Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Ông Nghiêm Xuân Toàn – Chánh văn phòng HĐTV Tổng công ty.

Về phía Tập đoàn BAT có Ông Pat Heneghan – Giám đốc Bộ phận chống thuốc lá lậu toàn cầu của BAT, Ông Ewan R. Duncan – Trưởng bộ phận thu thập thông tin về thuốc lá lậu của Tập đoàn, Ông Sam Maher – Giám đốc chống thuốc lá lậu khu vực Châu Á-TBD, Ông Peter Henriques – Tổng Giám đốc BAT Đông Á – Tập đoàn BAT, Ông Shahid Afzal – Giám đốc tài chính của BAT Đông Á và Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Đối ngoại BAT Việt Nam.

Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn BAT cho biết hàng năm có khoảng 600 tỷ điếu thuốc lá lậu được tiêu thụ trên thế giới. Chính phủ các nước mất khoảng 40 tỷ USD mỗi năm do thất thu thuế từ hoạt động buôn lậu thuốc lá. Diễn biến thuốc lá lậu biến đổi rất nhanh chóng và xuất hiện thêm thuốc lá lậu chính hãng, tức lá thuốc lá được sản xuất hợp pháp nhưng buôn lậu vào quốc gia khác. Việt Nam là điển hình cho trường hợp thuốc lá chính hãng nhưng buôn lậu vào Việt Nam (đối với 02 nhãn hiệu là JET và HERO).

Chiến lược chống thuốc lá lậu của Tập đoàn BAT gồm ba bộ phận:

- Bộ phận điều tra và thông tin, phối hợp, cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để bắt thuốc lá lậu.

- Bộ phận phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chống buôn lậu thuốc lá: như các biện pháp kỹ thuật truy tìm nguồn gốc thuốc lá lậu; các loại tem điện tử để truy xuất các loại thuốc lá trong quá trình lưu thông trên thị trường.

- Bộ phận pháp chế: nghiên cứu khung pháp lý toàn cầu của các nhà quản lý thuốc lá để tìm hiểu quy định và trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà kinh doanh thuốc lá, biện pháp để thực hiện một cách đầy đủ các trách nhiệm đó.

Bộ phận chống thuốc lá lậu của BAT triển khai rộng khắp, đồng bộ từ Tập đoàn đến các khu vực và các thị trường cụ thể như Việt Nam. Đầu tiên, tập đoàn nêu nhận thức về tầm quan trọng của việc chống thuốc lá lậu trong nội bộ tập đoàn, sau đó chuyển tải những thông tin, nhận thức đó đến các nhà lập pháp và thực thi chính sách. Cụ thể, mới đây FCTC đã thông qua điều 15 về phòng chống thuốc lá lậu. Khi các nước đã tham gia FCTC thì đều có trách nhiệm cụ thể trong quản lý thuốc lá lậu và thuốc lá bất hợp pháp. Việc điều 15 FCTC được thông qua đã tạo ra một khung pháp lý để các quốc gia thành viên hợp tác với nhau trong công tác chống thuốc lá lậu hữu hiệu hơn. Việc chống buôn lậu thực hiện dưới góc độ từng quốc gia đơn lẻ sẽ không hiệu quả bằng hợp tác trên cấp độ tổng thể với sự phối hợp của các quốc gia thành viên.

Liên quan đến hoạt động điều tra và thông tin về thuốc lá lậu của BAT, ông Ewan R. Duncan cho biết BAT tiến hành điều tra hết sức đa dạng từ người sử dụng đến nhà sản xuất… BAT thu thập tất cả những thông tin trên toàn cầu, trên thị trường liên quan đến thuốc lá lậu, mục đích trước hết là phục vụ hoạt động của BAT London và BAT ở các vùng. BAT đặt ra mục tiêu chống thuốc lá lậu cho từng vùng thị trường trên cơ sở đặc điểm riêng của từng vùng, và cụ thể thành các mục tiêu chi tiết để làm việc với nhà chức trách của từng quốc gia. Phương pháp điều tra thông tin của Bộ phận chống thuốc lá lậu cũng rất đa dạng, từ việc làm việc với các điều tra viên, đến việc thuê thám tử theo dõi thuốc lá lậu. Các thông tin được thu thập sẽ gửi về cho Đại bản doanh để phân tích và triển khác các hoạt động cụ thể cho từng vùng. BAT làm việc chặt chẽ với các đơn vị hành pháp như công an, hải quan, quản lý thị trường… BAT cung cấp thông tin cho các đơn vị hành pháp theo nhiều cách, ví dụ như chia sẻ thông tin về đường đi của các lô hàng thuốc lá lậu vận chuyển vào một quốc gia cụ thể; hoặc thu thập thông tin từ các nhà máy sản xuất thuốc lá giả để cung cấp cho cảnh sát. Thông qua các hoạt động cung cấp thông tin, BAT cũng phối hợp với các tổ chức an ninh quốc tế như Interpol hay Europol hay các tổ chức quốc tế về hải quan. Ngoài chức năng chia sẻ thông tin, BAT còn sử dụng thông tin thu thập cho hoạt động điều hành của Tập đoàn hay chia sẽ thông tin với hệ thống truyền thông để đăng bài, làm phóng sự, tuyên truyền… Cuối cùng là bộ phận khoa học kỹ thuật chống hàng giả (Phòng thí nghiệm Southampton). Phòng Thí nghiệm có chức năng nghiên cứu, phân tích tất cả thông tin về thuốc lá lậu thu thập được. Ngoài phân tích thuốc lá giả, thuốc lá lậu, Bộ phận này còn phân tích thuốc lá hợp pháp xuất lậu (thuốc lá sản xuất hợp pháp nhưng xuất lậu) xem sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào thông qua các dấu hiệu để lại trên bao và trên điếu thuốc lá.

Đối với khu vực Châu Á, ông Sam cho biết Châu Á là khu vực rộng lớn và phức tạp trong chống thuốc lá lậu. Bài học đầu tiên là sự quyết tâm chống thuốc lá lậu của các cơ quan hành pháp. Chỉ khi nào cơ quan hành pháp làm quyết tâm và bền bỉ, gây áp lực cho các đối tượng buôn lậu thì mới có thể có hiệu quả. Bài học thứ hai là cần có sự đoàn kết của cả ngành công nghiệp thuốc lá, các doanh nghiệp phải đồng tâm, phối hợp chặt chẽ thì công tác chống buôn lậu mới có hiệu quả. Ông Sam đánh giá cao vai trò của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam trong việc tích cực tham gia, đoàn kết các doanh nghiệp trong Hiệp hội để cùng nhau chống thuốc lá lậu. BAT đã cam kết sẽ chia sẻ, cung cấp thông tin liên quan đến thuốc lá lậu cho Việt Nam. Bài học thứ ba là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành của Chính phủ trong hoạt động chống buôn lậu thuốc lá, không chỉ trong một quốc gia mà còn giữa các quốc gia với nhau. Trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với Chính phủ Campuchia để hạn chế tình trạng thuốc lá lậu.

Trao đổi trong cuộc họp, đại diện đoàn Việt Nam đánh giá cao Tập đoàn BAT trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và hợp tác với Vinataba trong nhiều năm qua, đặc biệt là những kinh nghiệm trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Tại Việt Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá đang có xu hướng gia tăng mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, hàng năm làm thất thu ngân sách nhà nước khoảng 200 triệu USD. Gần đây Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Vinataba đã phối hợp với Cục QLTT của Bộ Công Thương xây dựng Đề án chống buôn lậu thuốc lá để trình Chính phủ với những giải pháp mạnh mẽ hơn. Trước đây, hoạt động chống thuốc lá lậu chủ yếu tập trung vào ngăn chặn nhập lậu tại biên giới, hiện nay đang đề xuất các giải pháp chống thuốc lá lậu trên thị trường tiêu thụ nội địa, bắt giữ những tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc lá lậu trong nước để hạn chế đầu ra của thuốc lá lậu. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ phải huy động được các lực lượng chức năng ở các tỉnh cùng tham gia, phối hợp thực hiện, nhất là các tỉnh biên giới. Hiện Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, trình Chính phủ, và được đánh giá là có những giải pháp mạnh, phù hợp với thời điểm hiện tại ở Việt Nam, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.