Ngày 23⁄4⁄2015, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự Diễn đàn.
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, sự kiện này được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất nguyên liệu trong nước tiếp xúc và chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của ngành thuốc lá thế giới với các tổ chức nông dân thuốc lá trong khu vực châu Á và thế giới. Qua đó các doanh nghiệp sản xuất sẽ có điều kiện được tiếp xúc với công nghệ hiện đại tiên tiến của thế giới để áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là kênh để chia sẻ các khó khăn thách thức mà ngành thuốc lá đang gặp phải, từ đó tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ giữa các quốc gia trên thế giới.
Tại Diễn đàn, đại diện của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trình bày tổng quan về ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và hiện trạng phát triển của nguyên liệu thuốc lá. Theo đó, sản lượng thuốc lá điếu hiện nay khoảng 100 – 110 tỷ điếu/năm, xuất khẩu 20 – 22 tỷ điếu/năm. Nộp ngân sách Nhà nước từ 900 triệu đến 1 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, ngành thuốc lá còn giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 – 21.000 lao động công nghiệp và khoảng 350.000 lao động nông nghiệp tại các vùng trồng và hàng trăm nghìn lao động dịch vụ khác có liên quan. Thuốc lá đã và đang tạo kế sinh nhai cho khoảng 6 triệu lao động trong toàn ngành.
Theo báo cáo của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, trong những năm qua, thông qua mô hình đầu tư gắn kết với trách nhiệm xã hội, phương thức đầu tư nguyên liệu của Tổng công ty đã góp phần xây dựng và phát triển các vùng trồng nguyên liệu trong nước theo hướng tập trung, chuyên canh, đưa cây thuốc lá trở thành cây đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo trong chương trình quốc gia, dạy nghề người nông dân. Hiện nay, Tổng công ty thông qua các đơn vị sản xuất nguyên liệu đang triển khai trồng cây thuốc lá tại 19 tỉnh thành trong cả nước, trong đó: Phía Bắc (6 tỉnh) gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Thái Nguyên và Bắc Giang. Phía Nam (12 tỉnh) gồm Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, An Giang và Tây Ninh.
Tổng diện tích đầu tư hàng năm của Tổng công ty từ 11.000-13.000 ha, với trên 5,5 triệu công lao động được sử dụng, ước sản lượng đồng ruộng từ 22.000-26.000 tấn, tương đương 70% tổng diện tích và sản lượng toàn ngành. Với mô hình đầu tư ứng trước vật tư, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp hạt giống và tiền mặt cho nông dân bình quân từ 15-20 triệu đồng/ha, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trong quá trình sản xuất trồng và sơ chế nguyên liệu thuốc lá, sau khi thu hoạch sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu thuốc lá của người nông dân thông qua hợp đồng thu mua ký từ đầu vụ, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 22/06/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá sàn được xây dựng trên cơ sở tính toán chi phí sản xuất của nông dân cộng với lợi nhuận (30% chi phí sản xuất),kết hợp với chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng (đầu tư và cải tạo đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, dạy nghề trồng thuốc lá cho nông dân, trồng rừng…). Trồng cây thuốc lá đã thay đổi về kinh tế của nông dân tại các vùng trồng nhất là các khu vực hiện cây thuốc lá được coi là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ gia đình trồng thuốc lá thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay trên cánh đồng của mình, đây là điều rất ít cây nông nghiệp làm được.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng trong những năm qua cũng gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể: Sự thu hẹp vùng trồng một phần do tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh virus trên cây thuốc lá đã ảnh hưởng đến diện tích trồng và sản lượng thu hoạch thuốc lá nguyên liệu; do sự cạnh tranh giữa các loại cây trồng nên lao động tham gia sản xuất nguyên liệu thuốc lá ngày càng ít, giá nhân công ngày càng cao; giá các vật tư nông nghiệp tăng làm giảm hiệu quả kinh tế của cây thuốc lá. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm diện tích trồng thuốc lá trong nước do thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; Sự cạnh tranh đất trồng và công lao động giữa thuốc lá và các loại cây trồng khác ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật ở một số vùng còn hạn chế nên việc thực hiện quy trình kỹ thuật chưa triệt để.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ về những khó khăn, thách thức đang gặp phải tại mỗi quốc gia. Ông Antonio Abrunhosa, Giám đốc điều hành ITGA nhấn mạnh, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tập trung nỗ lực vào việc phát triển mối tiếp xúc giữa những người nông dân trồng thuốc lá trên thế giới; Chia sẻ thông tin mang tính cạnh tranh về cây trồng với các thành viên của Hiệp hội; Xây dựng chiến lược để ổn định nguồn cung và giá cả; Giám sát tình hình thị trường; Xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và bảo vệ các thành viên và những người phụ thuộc.